Tiểu sử Thích_Trí_Quang

Hòa thượng Thích Trí Quang tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do [1], sinh ngày 21 tháng 12 năm 1923 (tức năm Giáp Tý, Âm lịch).[2], tại làng Diêm Điền, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông là con thứ tư trong gia đình có 6 anh em trai, hai anh đầu khác mẹ. Mẹ ông là hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo (hội những người lên đồng). Cha ông bán thế xuất gia với ngài Thích Đắc Quang, pháp danh Hồng Nhật. Khi ông được 6 tuổi, bố mẹ cho ông học chữ Hán và chữ quốc ngữ. Sau đó ông được gửi đi tu học tại Chùa Bảo Quốc, Huế với các Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Mật T .v.. là những vị sáng lập Phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Trung Việt Nam[3].

Xuất gia năm 1936, bổn sư là ngài Hồng Tuyên. Năm 1937, ông vào Huế theo học chương trình đào tạo tăng sĩ và hoàn tất chương trình vào năm 1944. Mùa hè năm 1946, ông được mời theo Hòa thượng Thích Trí Độ ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán sứ. Cuối năm 1946, ông trở về Quảng Bình thọ tang cha, sau đó ra Huế tu tại chùa Từ Đàm. Ở Huế vì hoạt động trong Hội Phật giáo Cứu quốc, ông bị chính quyền Pháp thời ấy bắt giam và bị quản thúc sau khi được trả tự do.[4] Đầu năm 1947, Pháp chiếm Quảng Bình, ông vào chiến khu chống Pháp, phụ trách quận hội của Liên Việt.

Năm 1963, sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình phản kháng của Phật giáo, Hòa thượng Thích Trí Quang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sách động và duy trì cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài, một cuộc khủng hoảng cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Trong Sự kiện Phật Đản, 1963, Hòa thượng Thích Trí Quang là nhà lãnh đạo Phật giáo được báo chí quốc tế nhắc nhở tới nhiều nhất. Khi Chùa Xá Lợi bị tấn công, tăng ni bị bắt, việc ông vượt khỏi hàng rào nhà tù vào lánh nạn trong Toà Đại sứ Mỹ tại Saigon từng được coi là một bí ẩn, mọi chi tiết chưa từng được kể lại. Tuần báo Time đã từng đăng hình Hòa thượng với lời ghi chú "Người làm rung rinh nước Mỹ".[cần dẫn nguồn]

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, hai anh em ông Diệm và ông Nhu bị giết, Hòa thượng Thích Trí Quang vẫn không trở về với vị trí bên lề của trường chính trị, ông tiếp tục vận dụng ảnh hưởng to lớn của mình lên sinh mệnh chính trị của Việt Nam Cộng hòa bằng cách ban bố hay từ chối hậu thuẫn của mình cho những chế độ quân nhân đã điều hành quốc gia từ 1964 đến 1966. Trong vụ Biến động Miền Trung vào năm 1966, Hòa thượng Thích Trí Quang là người đề nghị đồng bào đưa bàn thờ Phật xuống đường để ngăn chặn lối đi của quân chính phủ.

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ông là Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, trong khi Hòa thượng Thích Tâm Châu là Viện trưởng Viện Hoá Đạo.

Năm 2013, ông lưu lại chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch. Ông viên tịch lúc 21h45 đêm ngày 8 tháng 11 năm 2019 tại chùa Từ Đàm, TP Huế, sau 97 năm trụ thế.[5]